Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Tiếp thị trực tuyến: Nên chọn số lượng hay chất lượng?

Cuối cùng, cung cấp lời bình luận và suy nghĩ trên blog diễn đàn trực tuyến.


Tiếp thị trực tuyến: Chọn số lượng hay chất lượng?
Cũng như nhiều thứ trong cuộc sống và kinh doanh, sự tranh chấp giữa chất lượng và số lượng tồn tại cả trong lưu thông trực tuyến.
Số lượng người xem trang web luôn là yếu tố được quan tâm đầu tiên, bởi nó chứng tỏ thương hiệu của bạn được nhiều người “để ý”. Tuy nhiên, sự thật là số lượng lớn người đăng nhập không đảm bảo rằng sẽ có nhiều khách hàng chọn mua sản phẩm của bạn.
Nhà báo đồng thời là một chuyên gia tư vấn kỹ thuật số John Boitnott – người đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan truyền thông và các công ty internet tại California – cho rằng, sử dụng trang web như một chiếc phễu marketing chính là cách giúp bạn thu hút nhiều khách mua hàng hơn. Tập trung vào chất lượng phương thức giao dịch là một phần trong đó.
Trong bài viết đăng trên Inc., John Boitnott giải thích các lý do của điều đó:
Kinh doanh không hoàn toàn là một trò chơi về con số
Hàng chục ngàn người theo dõi trang web của bạn. Thật tuyệt! Bạn sẽ nghĩ rằng số lượng người truy cập có thể sẽ tương đương với số lượng khách hàng tiềm năng.
Mọi việc sẽ không diễn ra như vậy! Từ khóa quan trọng ở đây là “có thể”. Trong số hàng chục ngàn người kia, nhiều người có thể chỉ đến với trang web của bạn một cách vô tình, và họ sẽ rời khỏi nó ngay lập tức.
Một số người khác thì tìm kiếm thông tin và cân nhắc họ có thực sự cần những sản phẩm của bạn hay không. Những người như vậy chỉ đang “lướt web”, họ cũng sẽ nhanh chóng rời khỏi trang của bạn.
Điểm mấu chốt là bao nhiêu trong số hàng ngàn người theo dõi trang web sẽ mua sản phẩm của bạn?
Tập trung vào những đối tượng sẵn sàng thực hiện giao dịch
Ai cũng thích những khách hàng sẵn sàng mua sắm hơn là những người chỉ nhìn ngắm sản phẩm, vì thế việc cần làm là bạn phải cung cấp đường dẫn chất lượng. Mặc dù điều đó có nghĩa là chỉ một phần nhỏ khách hàng sẽ đến tìm hiểu trang web của bạn, nó vẫn đem lại thu nhập tiềm năng lớn với nguồn chi ít. Bạn có thể làm được điều này bằng cách liên kết với các công ty chuyên tạo ra những đường dẫn chất lượng.
Hệ thống quảng cáo đem lại một mạng lưới giao thông trực tuyến dày đặc và có thể sẽ làm tắc nghẽn con đường tìm đến đường dẫn chất lượng cho trang web của bạn. Đó là lý do vì sao các công ty trực tuyến như Conversant Media và Clickbooth rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đối tượng để hợp tác và cho phép đăng nhập vào hệ thống của họ. Sử dụng mô hình tiếp thị liên kết “chi phí cho mỗi hành động”, Clickbooth cắt giảm được những lỗi giao thông trực tuyến thông qua hàng loạt bộ lọc chất lượng.
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm nơi có giao thông trực tuyến chất lượng bằng cách nghiên cứu và phân loại người coi trang web dựa trên loại nguồn (người coi trang web theo sự giới thiệu, theo sự chỉ dẫn của trang web tìm kiếm, quảng cáo,…).
Bạn cũng có thể phân loại dựa theo các loại chiến dịch mà bạn quản lý. Hãy tìm hiểu xu hướng xem trang web của khách hàng bằng cách theo dõi các hướng click của họ, trang web dẫn họ tới trang của bạn, và trang web sẽ giúp bạn giao dịch với khách hàng qua điện thoại hoặc thanh toán trực tuyến.
Có rất nhiều công cụ có thể giúp chủ doanh nghiệp tìm hiểu về những điều trên, bao gồm Google Analytics, Quancast, và Clicktale.
Một phương pháp khác là bạn thay đổi giao diện trang web để thu hút việc đăng nhập. Bạn có thể thực hiện điều này qua việc tạo ra những câu chuyện thực sự hấp dẫn người xem, những câu nói lạc quan và thông điệp từ các chiến dịch. Bạn có thể sử dụng Google Adwords hoặc Market Samurai – những ứng dụng giúp bạn lên danh sách từ khoá và nâng cấp khả năng tìm kiếm thông minh (SEO) – để thu hút khách hàng tiềm năng.
Cuối cùng, bạn cần theo dõi những trang web dẫn khách hàng đến trang của bạn nhiều nhất và đầu tư đường dẫn chất lượng tại đó. Theo một thống kê Shareaholic, mạng truyền thông xã hội là nơi giới thiệu người dùng tới các trang khác nhiều nhất. Các trang web tìm kiếm cũng được ưa chuộng, chủ yếu là Yahoo, Google, và Bing, mặc dù không phát triển nhanh như mạng xã hội.
Một thống kê vào tháng 12/2014 cho biết, tám mạng xã hội hàng đầu là nơi điều khiển tới 31% lượng giao thông tới các trang web khác, một bước nhảy lớn so với gần 23% của năm 2013.
Số lượng của chất lượng
Hãy chủ động trong việc theo đuổi một “con đường” trực tuyến chất lượng. Bạn có thể tìm hiểu qua blog, bài báo, video, và chia sẻ nội dung của chúng trên mạng xã hội để thu hút người xem.
Để nâng cấp đường dẫn, bạn nên sử dụng công cụ tìm kiếm trả trước và mở rộng mọi lĩnh vực trong trang web của bạn để đảm bảo là nó phù hợp với SEO.
Cuối cùng, cung cấp lời bình luận và suy nghĩ trên blog diễn đàn trực tuyến.
Bạn có thể “thu hoạch” được một số lượng đăng nhập chất lượng lớn khi kết hợp những điều trên.


Những sai lầm thường gặp trong khi quảng bá thương hiệu

Chúng ta thường có cảm tình hơn với những đối tượng là con người hay vật dụng mà chúng ta cảm thấy quen thuộc. Nếu như những gương mặt và khung cảnh xung quanh chúng ta thay đổi quá nhanh và liên tục, chúng ta sẽ mất đi cảm giác thân thuộc với nơi chốn, con người ấy.

Những sai lầm thường gặp trong quảng bá thương hiệu
Tại sao các thương hiệu châu Á thường thích lối quảng cáo tạo sự chú ý nhiều hơn là sự chính xác có chủ đích?
Hình ảnh quen thuộc chúng ta thường bắt gặp trên đường phố có lẽ là các bảng hiệu quảng cáo. Ở hầu hết các thành phố của châu Á, dù đó là Mumbai, Hà Nội hay Manila, những biển quảng cáo này thường thu hút ánh nhìn của khách hàng theo một công thức chung.
Giữa bối cảnh thị trường ở các nước châu Á đang phát triển mạnh mẽ, các thương hiệu đều ra sức tìm một chỗ đứng trong tâm trí khách hàng bằng cách làm cho hình ảnh của mình trở nên đáng nhớ. Tuy nhiên, nếu thử bỏ đi logo và tên thương hiệu, liệu bạn có phân biệt được các thương hiệu nữa hay không?
Công thức quảng cáo quen thuộc các thương hiệu châu Á thường hay sử dụng nói trên bao gồm logo, hình ảnh sản phẩm và thêm vào đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Trong khi các thương hiệu quốc tế thường ghi dấu trong tâm trí người tiêu dùng bằng ngôn ngữ trực quan đặc trưng thì các thương hiệu châu Á thường dễ bị lãng quên vì phong cách thể hiện quá giống nhau.
Nguyên nhân của xu hướng nhận diện thương hiệu nghèo nàn nói trên là do doanh nghiệp (DN) châu Á thường chú trọng tính thu hút hơn tính chính xác, hình thái hơn nội dung khi lên ý tưởng quảng cáo cho thương hiệu.
Ở các quốc gia trong khu vực, các thương hiệu thường mượn sự nổi tiếng của các ngôi sao để tăng khả năng người tiêu dùng tiếp nhận sản phảm của họ. Điều này chứng tỏ sức mạnh quảng cáo của các nghệ sĩ lấn át tầm ảnh hưởng yếu ớt của thương hiệu - đối tượng không có bất kỳ đặc điểm hay dấu hiệu trực quan nào đặc trưng.
Trong suốt gần 100 năm qua, những công ty hàng đầu ở phương Tây đều hiểu rõ sức mạnh của thương hiệu nằm ở việc xây dựng nhận diện thương hiệu, và các nghệ sĩ nổi tiếng với sức ảnh hưởng của riêng cá nhân họ cần được lựa chọn và điều chỉnh một cách kỹ lưỡng để tránh trường hợp tầm ảnh hưởng của họ lấn át thương hiệu cần được quảng bá.
Chính vì vậy, các thương hiệu hàng đầu đã thành thục trong việc vận dụng thiết kế để tạo ra những biểu tượng và phong cách đáng nhớ của riêng họ nhằm tạo dấu ấn khó phai trong tâm trí khách hàng.
Phông chữ đầy phong cách và hình dáng chai đặc biệt của Coca-Cola hay hình ảnh "quả táo cắn dở" đặc trưng của Apple là hai ví dụ cho việc ứng dụng các công cụ trực quan một cách mạnh mẽ và xuyên suốt nhằm tạo dấu ấn cho thương hiệu, đồng nghĩa với sự toàn cầu hóa.
Tại sao các thương hiệu châu Á thường thích lối quảng cáo tạo sự chú ý nhiều hơn là sự chính xác có chủ đích? Khi được hỏi về lý do lựa chọn công thức quảng cáo giống nhau như vậy, các chủ thương hiệu châu Á thường đưa ra những lý do như sau:
- Thương hiệu của chúng tôi còn non trẻ nên cần dựa vào tầm ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Rất nhiều thương hiệu châu Á đưa ra lý do là họ cần xây dựng niềm tin với khách hàng trong thời gian ngắn để có thể đạt được mục tiêu doanh số đề ra.
Tuy nhiên, khi được hỏi làm thế nào khách hàng có thể nhận diện được sản phẩm khi đối tượng họ đặt lòng tin vào chỉ là những nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều chủ DN phải thừa nhận việc thiết kế bao bì được làm rất gấp vì họ tập trung phần lớn vào các chiến dịch quảng cáo. Điều này đi chệch mục đích ban đầu là tạo dựng sự tin tưởng nơi khách hàng và tăng doanh số.
Thiếu đi cả một chuỗi các hoạt động tiếp cận khách hàng được đầu tư công phu thì việc quảng cáo sẽ không đem lại tác dụng bán hàng cho thương hiệu mà chỉ giúp nâng cao độ phủ sóng của các nghệ sĩ tham gia làm gương mặt quảng cáo.
- Sản phẩm của chúng tôi trông rất nhàm chán, nên chúng tôi cần sự góp mặt của các nghệ sĩ để làm chúng thu hút hơn.
Phần đông các giám đốc châu Á rất ưa chuộng sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, vì vậy, trong những lễ ra mắt với sự đầu tư lớn trong khu vực đều có sự góp mặt đông đảo của các nghệ sĩ tên tuổi.
Tuy nhiên, khi nhìn vào một chương trình quảng cáo với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, bạn đã bao giờ băn khoăn về mối liên hệ giữa những nghệ sĩ đó với sản phẩm họ đang quảng cáo?
Đặc biệt là với những hình ảnh đối lập như khi một nữ nghệ sĩ xinh đẹp đi cùng một sản phẩm được thiết kế xuềnh xoàng, chẳng khác nào hai người cùng đến một buổi tiệc nhưng một người ăn vận sai với chủ đề của bữa tiệc. Những hình ảnh như vậy thể hiện rõ việc thiếu những tính toán mang tính chiến lược đằng sau.
Khi ấy, dù một nghệ sĩ có nổi tiếng và xinh đẹp như thế nào cũng không thể giúp một sản phẩm "quê mùa" tỏa sáng được. Nếu thiếu đi một bao bì được thiết kế độc đáo, xứng tầm với gương mặt đại diện của thương hiệu, việc quảng cáo sẽ không thể đưa đến những cơ hội bán hàng cho DN.
- Thị trường hiện nay cạnh tranh rất lớn, vì vậy chúng tôi cần phải thay đổi liên tục.
Các giám đốc marketing thường xem đây là lý do cho sự cần thiết của việc thay đổi phong cách và cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế bao bì sản phẩm. Thế nên họ thường có xu hướng không ngừng đổi mới phong cách và cách thức thực hiện, như thể là một công ty chuyên về thiết kế và công việc của họ là luôn phải "sáng tạo".
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khi một phong cách trực quan chưa có đủ thời gian để bén rễ trong tâm trí của khách hàng thì sẽ rất khó để thương hiệu có thể tạo dựng sự nhận diện mang tính dài hạn.
Chúng ta thường có cảm tình hơn với những đối tượng là con người hay vật dụng mà chúng ta cảm thấy quen thuộc. Nếu như những gương mặt và khung cảnh xung quanh chúng ta thay đổi quá nhanh và liên tục, chúng ta sẽ mất đi cảm giác thân thuộc với nơi chốn, con người ấy.
Đây chính là lý do tại sao chỉ đơn thuần tăng thêm vốn đầu tư cho quảng cáo sẽ không đem lại tác dụng như mong muốn. Thay vào đó, việc cần làm là tạo một hình thức trực quan đồng nhất cho thương hiệu nhằm tăng cường mức độ nhận diện.

Học "chiêu" về cách tiếp thị thương hiệu trên mạng xã hội


Thêm vào đó, quảng cáo trên Facebook được thiết kế để hiển thị liên kết với các trang web khác hoặc những bài viết được đăng tải hay quảng cáo kép.


Học "chiêu" tiếp thị thương hiệu trên mạng xã hội

Trong số hơn 41 triệu người sử dụng internet ở Việt Nam thì có khoảng 30 triệu người sử dụng mạng truyền thông xã hội, tương đương hơn 70% cư dân mạng. Với lượng khách hàng tiềm năng này, tiếp thị thương hiệu (TTTH) chính là giải pháp lý tưởng để xây dựng lòng trung thành của người dùng đối với thương hiệu. 
Tuy nhiên, khi quảng cáo trên mạng xã hội cũng cần chọn lọc các mẫu quảng cáo có khả năng mang lại hiệu quả như mong muốn.
Những yếu tố cơ bản
Một thương hiệu bền vững có thể chiếm được tình cảm của khách hàng hơn là đặc tính của sản phẩm hoặc dịch vụ, dựa vào những yếu tố như sự tin tưởng, chất lượng, tính cách hay phân khúc xã hội... Thương hiệu là lời hứa với người tiêu dùng về những khác biệt của một doanh nghiệp (DN) so với các đối thủ.
Các DN vừa và nhỏ cần biết rõ họ muốn khách hàng nhận biết thương hiệu của họ như thế nào và làm sao để tạo dựng những nội dung có thể đi sâu vào tâm trí khách hàng. Kết quả lý tưởng nhất cho bất cứ chiến dịch TTTH nào chính là trở thành thương hiệu hàng đầu trong lòng người tiêu dùng.
Coca-Cola là ví dụ điển hình cho một trong những thương hiệu đứng đầu trong tiềm thức khách hàng. Thương hiệu Coca-Cola đã xuất hiện trên thị trường được gần 100 năm và hiện tại người dùng ở hơn 200 nước tiêu thụ 1,9 tỷ chai Coca-Cola mỗi ngày.
Nhờ những nỗ lực TTTH rộng rãi, nhất là trên mạng xã hội, hầu hết người tiêu dùng đều biết đến giá trị lan tỏa của thương hiệu Coca-Cola. Thương hiệu này đã để lại những cảm xúc nhất định thông qua những chiến dịch quảng cáo.
Để xác định những yếu tố quyết định thành công của một chiến dịch TTTH, đội ngũ khoa học tiếp thị của Facebook đã thực hiện một chương trình nghiên cứu trong vòng 6 tháng, phân tích hơn 1.500 quảng cáo và 350 chiến dịch. Từ nghiên cứu này, 7 yếu tố quan trọng được xác định có ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả quảng cáo trên mạng xã hội Facebook là:
- Tiêu điểm: Hình ảnh quảng cáo nên có tiêu điểm rõ ràng, giúp thu hút sự chú ý của người xem.
- Liên kết thương hiệu: Quảng cáo phải giới thiệu rõ ràng về đặc điểm của thương hiệu thông qua logo, chủ đề, màu sắc...
- Cá tính thương hiệu: Quảng cáo cho thấy sự nhất quán với các giá trị mà thương hiệu đại diện.
- Giá trị thông tin: Chứa đựng những thông tin thu hút nhiều người xem.
- Giá trị cảm xúc: Các quảng cáo mang lại cảm xúc cao cho người xem.
- Khả năng gây chú ý: Các quảng cáo có những nội dung khiến người dùng chú ý.
- Kêu gọi hành động: Khán giả sẽ cảm thấy được khuyến khích và muốn tương tác với thương hiệu sau khi xem quảng cáo.
Tối ưu hóa quảng cáo TTTH trực tuyến
Hầu hết các quảng cáo đạt được kết quả cao chủ yếu là nhờ 3 yếu tố: liên kết thương hiệu, giá trị cảm xúc và khả năng gây chú ý.
Một ví dụ cụ thể là quảng cáo của nhãn hiệu bia Bud Light. Họ đã sử dụng hình ảnh chai bia mang thương hiệu của mình trên chiếc điện thoại di động và với cách đó, thương hiệu của họ đã tạo được ấn tượng và đi vào tâm trí khách hàng.
Đối với 2 yếu tố tiêu điểm và liên kết thương hiệu, quảng cáo này sử dụng quy tắc một phần ba trong nhiếp ảnh để đưa biểu tượng Bud Light vào trung tâm của sự chú ý. Về phần cá tính thương hiệu, các câu chữ ngắn gọn, súc tích mang một thông điệp hài hước, làm nổi bật khía cạnh "vui vẻ” và "láu lỉnh" của thương hiệu.
Đối với giá trị thông tin và giá trị cảm xúc, nội dung tổng thể truyền tải cái nhìn sáng tạo về cách bia có thể được đổ ra từ một chiếc điện thoại thông minh. Hình ảnh này là động lực chính cho "khả năng gây chú ý” và tạo nên lời kêu gọi hành động, khuyến khích người dùng thích, chia sẻ và bình luận về các nội dung.
Điểm ưu việt của mạng xã hội nằm trong cơ chế giao tiếp nhiều kênh phát sóng tới nhiều nguồn tiếp nhận, tạo điều kiện cho tất cả các bên tham gia vào cuộc trò chuyện với nhiều cách thức tương tác khác nhau.
Ví dụ, khi sử dụng Facebook, người dùng có thể thích, bình luận, chia sẻ hoặc gắn thẻ bạn bè của họ trực tiếp trên những bài viết và DN cũng có thể dễ dàng tham gia những cuộc trò chuyện ấy, giúp thông tin thương hiệu đến được với những người dùng khác.
Facebook đang cung cấp các loại quảng cáo khác nhau, giúp DN trực tiếp giao tiếp với khách hàng dựa trên nhiều dữ liệu, bao gồm cả địa vị xã hội, tuổi tác, giới tính, sở thích, hành vi...
Thêm vào đó, quảng cáo trên Facebook được thiết kế để hiển thị liên kết với các trang web khác hoặc những bài viết được đăng tải hay quảng cáo kép.
Hơn thế nữa, công cụ quản lý và báo cáo của Facebook có thể đánh giá một cách chi tiết về các quảng cáo cùng một lúc, từ đó DN có thể quyết định xem sự kết hợp của những nhóm khách hàng nào sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

8 lý do mà doanh nghiệp nên tận dụng Instagram

Việc dễ dàng chia sẻ nội dung giữa Instagram và Facebook cũng giúp doanh nghiệp tăng lượng truy cập cho cả hai mạng xã hội này.


8 lý do doanh nghiệp nên tận dụng Instagram

Instgram là mạng xã hội giao tiếp bằng hình ảnh, được phát triển từ một xu hướng của giới trẻ. Ở Mỹ có 34% người dùng internet có tài khoản Instagram, đưa mạng xã hội này phổ biến thứ 2 tại nước này sau Facebook. Vì thế, đây là cách để doanh nghiệp gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu bằng cách hấp dẫn thị giác của họ.
Forbes đã chỉ ra 8 lý do doanh nghiệp nên sử dụng Instagram để gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu bằng cách hấp dẫn thị giác của họ.
1. Instagram “ngốn” thời gian người dùng nhiều thứ 2, sau Facebook
Hàng loạt những cảnh báo đã nói rằng con người hiện đại đang sử dụng quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Và tất nhiên, thứ quyến rũ người dùng nhất chính là Facebook, ngay sau đó là Instagram.
Theo nghiên cứu của comScore, người Mỹ đang tiêu tốn 12 tỷ phút/tháng để lướt Instagram (ở Facebook là 230 tỷ phút/tháng). Đối với những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường ngách, muốn đẩy mạnh tiếp thị bằng hình ảnh thì Instagram là lựa chọn hợp lý không nên bỏ qua.
2. Mảnh đất màu mỡ, tránh cạnh tranh khốc liệt
Những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập rất khó tìm được “chỗ đứng” trên môi trường đông đúc, nhộn nhịp của Facebook. Ở đó, bạn sẽ rất khó tìm kiếm thông qua những công cụ thông thường khi phải vượt qua rất nhiều những page, tài khoản đã quá nổi tiếng và nhiều người theo dõi.
Instagram giúp doanh nghiệp tìm được chỗ đứng trên mạng xã hội doanhnhansaigon
Instagram là mảnh đất màu mỡ và “thông thoáng” khi Facebook đã quá náo nhiệt
Instagram là mảnh đất màu mỡ và “thông thoáng” hơn nhiều, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy và tiếp cận nội dung mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Dù vậy, phần lớn những doanh nghiệp nhỏ chưa nhận ra sự quan trọng của mạng xã hội hình ảnh này. Forbes cho biết, chỉ có 9% doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có tài khoản Instagram. Kể từ năm 2012, số doanh nghiệp nhỏ sử dụng con đường tiếp thị này tăng dần và không có dấu hiệu chậm lại.
3. Phương pháp độc đáo để tiếp thị trực quan
Hình ảnh là cách để doanh nghiệp giới thiệu thương hiệu một cách độc đáo và mới mẻ hơn. Instagram cung cấp bộ lọc hình ảnh, một số công cụ chỉnh sửa hình ảnh rất đơn giản nhưng khá hiệu quả giúp người dùng tạo ra những tấm ảnh đẹp một cách nhanh chóng.
Màu sắc và khung hình đặc sắc của Instagram khiến tấm ảnh trở nên thu hút và đặc biệt hơn. Đây là kênh hiệu quả để doanh nghiệp chăm chút cho hình ảnh công ty, sản phẩm và dịch vụ của mình.
Instagram cung cấp bộ lọc hình ảnh hấp dẫn, dễ sử dụng
4. Đẩy mạnh doanh số bán hàng
Theo khảo sát của Forbes, những cửa hàng sau khi sử dụng Instagram để tiếp thị sản phẩm đều có doanh thu cao hơn. Mặc dù Instagram không thiết kế để kêu gọi mua hàng, nhưng những nội dung của nó đều khiến khách hành có sự tin tưởng, cảm tình hơn với thương hiệu và dẫn đến quyết định mua hàng.
Theo một khảo sát khác, Forbes cho biết, cứ 100 khách hàng tiếp cận doanh nghiệp trên Instagram, có 1 người sẽ quyết định mua hàng. Đây là tỷ lệ mua hàng cao thứ 4 trong các mạng xã hội hiện nay.
5. Hình ảnh sẽ thống trị truyền thông
Hơn bao giờ hết, khách hàng muốn nhìn thấy hình ảnh sản phẩm, dịch vụ hơn hẳn việc đọc các nội dung về nó. Hình ảnh càng trực quan, càng đẹp càng khiến người dùng yêu thích thương hiệu, doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nắm bắt được sự quan trọng của hình ảnh và xác định đây là chiến thuật quan trọng nhất để tối ưu hóa nội dung trên các phương tiện truyền thông.
Trên Instagram, doanh nghiệp có thể cung cấp những nội dung dưới dạng Infographic, phiếu giảm giá bằng poster… để thu hút sự chú ý của người dùng. Bạn cũng có thể sử dụng những đoạn clip ngắn để nội dung thêm phong phú.
Instgram là cách tiếp thị hình ảnh rất hiệu quả doanhnhansaigon
Instgram là cách tiếp thị hình ảnh rất hiệu quả
6. Bài của bạn sẽ không bị “trôi”
Một nỗi lo khi bán hàng trên Facebook là mạng xã hội này có bộ lọc khiến những trang thường được truy cập mới được hiển thị trên “News Feed” của người dùng. Như vậy, nếu một thời gian khách hàng của bạn quên truy cập trang Facebook của doanh nghiệp, bạn sẽ thực sự bị lãng quên.
Trong khi đó, Instagram không có bộ lọc khắc nghiệt đến thế. Mọi thông tin đăng tải đều được sắp xếp theo thời gian, do đó, chỉ cần bạn đăng tải nội dung thường xuyên, trang doanh nghiệp của bạn sẽ luôn được khách hàng nhìn thấy, dễ dàng tiếp cận.
7. Instagram giúp bạn tạo ra hình ảnh độc đáo cho những kênh khác
Instagram không phải mạng xã hội duy nhất có thể đăng tải hình ảnh. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của trang này là công cụ chỉnh sửa ảnh mang đặc trưng riêng, khiến nó khác biệt so với Pinterest, Facebook, Twitter…
Tài khoản Instagram của Zalora Việt Nam - kênh bán hàng trực tuyến đã tận dụng tốt các mạng xã hội để tiếp cận người dùng doanhnhansaigon
Tài khoản Instagram của Zalora Việt Nam - kênh bán hàng trực tuyến đã tận dụng tốt các mạng xã hội để tiếp cận người dùng
Vì vậy để tối ưu hóa hình ảnh của doanh nghiệp trên mọi kênh, bạn có thể sử dụng Instagram như công cụ chỉnh sửa ảnh nhanh chóng, dễ dàng, tạo sự thống nhất trong nhận diện của thương hiệu.
Việc dễ dàng chia sẻ nội dung giữa Instagram và Facebook cũng giúp doanh nghiệp tăng lượng truy cập cho cả hai mạng xã hội này.
8. Lý tưởng để chia sẻ nhanh
Vì được thiết kế để sử dụng trên các thiết bị di động, Instagram thích hợp với việc chia sẻ nhanh hình ảnh từ smartphone, tablet hơn bất kỳ mạng xã hội nào khác. Do đó, bạn có thể chia sẻ nhanh chóng, dễ dàng bất kể khi nào, ở đâu, ngay sau khi bạn vừa chụp xong tấm ảnh

5 chữ "đừng" khi tiếp thị bằng thư điện tử email

Chẳng hạn, nếu tỷ lệ nhấp chuột quá thấp, hãy xét lại cách doanh nghiệp sử dụng từ ngữ trong lời kêu gọi hành động và cố gắng cải thiện. Nếu tỷ lệ mở thư quá thấp, hãy xem nên cải thiện dòng tiêu đề ra sao...


5 chữ "đừng" khi tiếp thị bằng email

Hầu hết những nhà tiếp thị đều biết những điều nên làm khi nhắc đến tiếp thị bằng email (email marketing), nhưng có khi còn hiểu rõ về những điều họ không nên làm.
1. Đừng sử dụng những tiêu đề nhàm chán
Dòng tiêu đề là điều đầu tiên người nhận email sẽ nhìn thấy. Họ sẽ không mở đọc email nếu thấy một tiêu đề kém hấp dẫn và không mang ý nghĩa gắn kết, gần gũi.
Sẽ là một sự lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc nếu doanh nghiệp chăm sóc phần nội dung bên trong email rất cẩn thận nhưng lại bỏ sót phần tiêu đề, khiến người nhận email xóa đi trước khi đọc nội dung.
Luôn giữ dòng tiêu đề thật cuốn hút, ngắn gọn và đi vào tâm điểm nội dung mà doanh nghiệp muốn người đọc đón nhận. Nếu doanh nghiệp muốn chiết khấu, hãy đề cập điều ấy ngay trong tiêu đề.
Đính kèm yếu tố thời sự hoặc lời kêu gọi hành động cũng góp phần gia tăng tỷ lệ mở thư.
2. Đừng quên đọc kỹ lại nội dung trước khi gửi email
Tưởng chừng đó là điều hiển nhiên, nhưng có quá nhiều email tiếp thị được gửi đi với nội dung đầy lỗi chính tả, cú pháp câu hoặc những khoảng trống không phù hợp.
Kiểm tra nhiều lần để đảm bảo mọi thứ doanh nghiệp gửi đi là hoàn hảo nhất, bởi vì những lỗi chính tả hoặc ngữ pháp mang đến một cảm nhận rất kém chuyên nghiệp về hình ảnh của doanh nghiệp.
Hãy luôn đảm bảo có ít nhất hai người thực hiện công việc xem xét nội dung trước khi gửi đi.
3. Đừng gửi những file có dung lượng lớn
Tương tự như một website, email của doanh nghiệp chỉ có một vài phút, thậm chí một vài giây, để giành lấy sự chú ý từ người nhận. Nếu kích cỡ của email (bao gồm những file đính kèm) quá lớn, tỷ lệ người nhận không mở xem sẽ rất cao.
Luôn giữ hình ảnh, thiết kế đơn giản và email của doanh nghiệp có thể tải đọc trên mọi thiết bị tối đa chỉ trong vài giây, nhằm đảm bảo thông điệp được truyền tải một cách hiệu quả nhất.
4. Đừng quên đính kèm lời kêu gọi
Nên khuyến khích người đọc thực hiện một hành động nhất định thông qua thông điệp gửi đến từ email. Nêu rõ những gì doanh nghiệp muốn người đọc làm ngay khi đọc xong email. Đính kèm một đường link với nội dung như “Mua hàng ngay hôm nay” hoặc “Nhấp chuột để biết thêm thông tin”.
Email có mục đích thông tin mang những ý nghĩa rất lớn, nhưng nếu mục đích của doanh nghiệp chính là thu hút lượng truy cập đến website của mình, cuối cùng là chuyển họ trở thành người mua hàng, gia tăng doanh thu, thì phải kêu gọi họ đi theo đúng hướng.
5. Đừng bỏ qua những con số
Bất kể email của doanh nghiệp đang đạt hiệu quả cao như thế nào, thì vẫn luôn có thể cải thiện để tốt hơn. Đánh giá sự thành công của mỗi đợt gửi email cũng quan trọng không kémviệc đánh giá những công tác khác trong tổng thể kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp.
Khi xét đến những số liệu thống kê, hãy chú ý đến 4 tỷ lệ thiết yếu nhất, nhằm đảm bảo sự thành công của những đợt quảng bá bằng email sắp tới:
• Tỷ lệ mở thư: Tỷ lệ số người nhận thư mở đọc thư.
• Tỷ lệ đóng thư: Tỷ lệ email gửi đi nhưng không tới được người đọc mục tiêu.
• Tỷ lệ nhấp chuột: Tỷ lệ người đọc nhấp chuột vào những đường link được đặt trong phần nội dung thư.
• Tỷ lệ từ chối nhận thư: Số lượng người nhấp chuột vào đường link từ chối nhận thư của doanh nghiệp về sau.
Hiểu rõ tầm quan trọng của những số liệu ấy và sử dụng chúng như những thước đo sau này, khi mỗi email gửi đi sẽ đóng vai trò cải thiện tích cực những tỷ lệ ấy.
Chẳng hạn, nếu tỷ lệ nhấp chuột quá thấp, hãy xét lại cách doanh nghiệp sử dụng từ ngữ trong lời kêu gọi hành động và cố gắng cải thiện. Nếu tỷ lệ mở thư quá thấp, hãy xem nên cải thiện dòng tiêu đề ra sao...
Sự thành công của doanh nghiệp sẽ được nhận định thông qua việc thử nghiệm và sửa lỗi như vậy.

"chiêu" tiếp thị với khách hàng thế hệ Y


Những khách hàng thế hệ Y yêu thích sản phẩm của bạn chính là "công cụ tiếp thị" tốt nhất. Những “đại sứ thương hiệu” này sẽ bán hàng cho bạn nếu bạn cung cấp cho họ một diễn đàn hoặc phương tiện để thực hiện.


 5 "chiêu" tiếp thị với khách hàng thế hệ Y

Hiện nay, một thực tế rõ ràng là ngành tiếp thị đang thay đổi, quảng cáo trên báo giấy, tivi hay gửi thư trực tiếp không còn nhiều ảnh hưởng như trước kia. Khách hàng thế hệ Y (thế hệ sinh ra trong giai đoạn đầu thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990) đã thay đổi tất cả điều này. Họ đang khiến các nhà tiếp thị phải hướng đến quảng cáo di động và quảng cáo trực tuyến.
Thế hệ Y thực sự rất khác biệt về mức độ trung thành cũng như mức độ quan tâm đến thương hiệu. Dưới đây là 5 cách mà các maketer có thể tiếp cận và lắng nghe họ.
1. Di động hoá
Theo hãng nghiên cứu Pew Research, 85% người dùng độ tuổi từ 15 – 35 sở hữu điện thoại thông minh để liên lạc với bạn bè và gia đình. Họ thường sử dụng điện thoại để theo dõi tin tức, thông tin về người nổi tiếng và sản phẩm yêu thích.
Điều này đồng nghĩa với việc marketer phải quan tâm tối ưu hoá trải nghiệm người dùng trên điện thoại thông minh, giao diện hấp dẫn, thời gian tải nhanh và điểm nhấn thu hút hành động mua hàng.
Thêm nữa, thế hệ gen Y dành phần nhiều thời gian trên các thiết bị di động nên các marketer cần tăng thêm thời gian tiếp cận họ, thậm chí vào cả những ngày đi làm.
2. Hỗ trợ nhúng dữ liệu
Thế hệ Y hứng thú với những trải nghiệm online phong phú, hấp dẫn, đặc biệt là những trải nghiệm có thể chia sẻ với người khác. Không giống như những thế hệ trước, họ khao khát được chia sẻ. Đây là cơ hội cho marketer để lôi cuốn khán giả vào thế giới online mà họ tạo ra.
Những chiến dịch xuất sắc thường khéo léo lồng ghép câu chuyện hoặc hình ảnh cá nhân của khách hàng vào một câu chuyện lớn hơn. Nội dung tích hợp với chiến dịch có thể đăng lên trang web sản phẩm hoặc các trang mạng xã hội thứ 3 như Instagram hay Tumblr. Đối với thế hệ Y, việc nhúng nội dung là tất yếu.
3. Minh bạch
Thế hệ Y khao khát sự minh bạch, đối thoại với các sản phẩm mà họ yêu thích. Một số công ty như Warby Parker, Toms Shoes đã thực hiện rất tốt "chiêu" này với khách hàng.
Khách hàng muốn biết tới sứ mệnh của công ty, có thể thấy mức độ hoàn thành của sứ mệnh và cũng có thể tham gia vào sứ mệnh đó khi sử dụng sản phẩm.
Hãy thể hiện một cách rõ ràng và minh bạch rằng bạn đang đại diện cho điều gì và hãy luôn giữ liên lạc với khách hàng qua truyền thông xã hội để tạo ra ấn tượng tích cực.
4. Xác định rõ mục đích
Thế hệ gen Y gắn bó với trải nghiệm hơn là sản phẩm. Patagonia và Subaru là hai công ty thực hiện thành công điều này. Cả hai công ty này giới thiệu sản phẩm như một hồi ức, rồi quảng bá phong cách sống mà sản phẩm hỗ trợ cụ thể.
Tiếp thị theo độ tuổi và giới tính không còn thực sự hiệu quả nữa. Thay vào đó, hãy đào sâu tìm hiểu về phong cách sống mà sản phẩm của bạn hỗ trợ và sử dụng những kênh online để tiếp thị tới khách hàng.
5. Biến khách hàng thành "đại sứ thương hiệu"
Thế hệ gen Y xác định giá trị bản thân qua những sản phẩm họ sử dụng, loại bia họ uống và loại kính họ đeo. Và quan trọng hơn cả, họ thích nói chuyện về những sản phẩm đó. Nếu họ yêu thích một sản phẩm hay một tổ chức, họ sẽ cho cả thế giới biết điều đó thông qua truyền thông xã hội hay trong những cuộc gặp mặt trực tiếp.
Những khách hàng thế hệ Y yêu thích sản phẩm của bạn chính là "công cụ tiếp thị" tốt nhất. Những “đại sứ thương hiệu” này sẽ bán hàng cho bạn nếu bạn cung cấp cho họ một diễn đàn hoặc phương tiện để thực hiện.
Tìm kiếm những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất trên mạng xã hội hoặc trên blog, sau đó tương tác cá nhân với họ. Thông điệp gửi từ một người thật sẽ rất có ý nghĩa. Vì thế hãy luôn chắc chắn rằng người quản lý cộng đồng của bạn phải có mối quan hệ thân mật, gần gũi với những "đại sứ thương hiệu" trực tuyến.

6 cách giúp nhà lãnh đạo xây dựng được thương hiệu cá nhân

Goldman khuyên các nhà lãnh đạo nên sử dụng kiến thức chuyên môn để chia sẻ những vấn đề mà công chúng khó có thể tìm thấy ở bất kỳ một nguồn nào khác, từ đó tạo ra ưu thế “cạnh tranh” cho mình. Hãy suy nghĩ về cách giải quyết những vấn đề mà công chúng hay khách hàng của mình thường gặp.


6 cách giúp nhà lãnh đạo xây dựng thương hiệu cá nhân

Các tổng giám đốc (CEO) hoặc giám đốc điều hành cấp cao có thể nghĩ rằng xây dựng thương hiệu là chuyện của công ty chứ không phải của mình. Tuy nhiên, theo Jeremy Goldman - CEO, nhà sáng lập của Firebrand Group, hình ảnh hay thương hiệu của một cá nhân cũng quan trọng không kém thương hiệu của công ty và gắn liền với nhãn hiệu công ty.

Với sự hỗ trợ của internet, ngày nay, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các giám đốc điều hành cấp cao của doanh nghiệp, so sánh với các đối thủ cạnh tranh và quyết định có nên làm ăn với doanh nghiệp hay không.
Một nghiên cứu mới đây do Brandfog thực hiện đã chỉ ra rằng, khi những giám đốc điều hành có tham gia vào các mạng truyền thông xã hội và gắn kết với khách hàng của mình thì nhận thức tích cực về khả năng lãnh đạo của họ tăng từ 45% lên 75% trong vòng 12 tháng.
Rõ ràng, xây dựng hình ảnh cá nhân giúp cho các nhà lãnh đạo có được lợi thế cạnh tranh, cá tính và một tiếng nói được khách hàng và các công ty đối thủ công nhận.
Theo Goldman, trong thời đại kỹ thuật số, các CEO có thể xây dựng thương hiệu cá nhân bằng những cách sau đây:
1. Mở rộng quan hệ xã hội
Để bắt đầu quá trình xây dựng một thương hiệu cá nhân được nhiều người biết đến và tin cậy, Goldman khuyên các CEO nên tạo hồ sơ cá nhân trên các trang web xã hội như Facebook, LinkedIn, Twitter và YouTube hoặc bất cứ các trang web nào khác, miễn là phù hợp với phong cách của mình.
Khi chưa xác định rõ phong cách của mình thì cũng nên chủ động giành “đất” bằng cách tạo trước cho mình một tài khoản để tránh trùng lắp với một số tên người dùng khác.
Goldman cũng nhắc các nhà lãnh đạo một nguyên tắc quan trọng là cần làm cho tên tài khoản, các thông tin trong hồ sơ cá nhân, các thông điệp và “tiếng nói” của mình nhất quán với nhau giữa các tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau.
Sự nhất quán không chỉ giúp nhà lãnh đạo thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân mà còn giúp tăng khả năng xuất hiện và thứ tự xếp hạng trong các trang web tìm kiếm thông tin như Google.
2. Gắn kết với công chúng
Xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ dừng lại ở việc tạo tài khoản trên các mạng xã hội, nhà lãnh đạo cần phải có các hoạt động gắn kết với công chúng, bao gồm khách hàng, các nhà lãnh đạo trong ngành cũng như các nhà báo để tăng giá trị và độ tin cậy của mình.
Xây dựng quan hệ với những người có ảnh hưởng đến ngành và lĩnh vực chuyên môn của mình sẽ giúp các CEO củng cố uy tín, có thêm các cơ hội mới như tham dự các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, tham dự các sự kiện tạo dựng quan hệ.
3. Kiểm tra ảnh hưởng của mình trên các mạng xã hội
Nhà lãnh đạo nên thường xuyên rà soát lại các lời nhận xét, bình luận về các hoạt động của mình trên các mạng xã hội. Nếu có một hoạt động nào đó không nhất quán với hình ảnh mà mình đang nỗ lực xây dựng thì nên tìm cách xóa hoạt động ấy.
4. Cập nhật hồ sơ cá nhân
Trang “about” (giới thiệu tổng quan) của một công ty là trang mà khách hàng thường ghé thăm đầu tiên khi ghé thăm trang web của một doanh nghiệp. Tương tự, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cập nhật trang “about” trong hồ sơ cá nhân của mình, bao gồm quá trình làm việc, bằng cấp, hình ảnh, các kết nối đến các trang web liên quan.
Trong quá trình làm việc, nên kể ra những thành tích mà mình đã đạt được, các bài báo mình đã viết, các bài phát biểu, các bài phỏng vấn hoặc các giải thưởng đã nhận được.
Khách hàng sẽ có niềm tin nhiều hơn ở nhà lãnh đạo nếu họ có cảm nhận tích cực về văn hóa của doanh nghiệp và các cá tính, phẩm chất của nhà lãnh đạo qua những nội dung này.
5. Viết bài
Khi quyết định xây dựng một trang nhật ký điện tử (blog), nhà lãnh đạo nên kết hợp phát triển một mục dành cho khách mời để những chuyên gia, nhà lãnh đạo có uy tín khác kết nối với blog của mình. Các CEO cũng có thể viết bài trên Twitter, chia sẻ các quan điểm của mình về một chủ đề nào đó.
Goldman khuyên các nhà lãnh đạo nên chọn lựa chủ đề một cách thông minh vì những mối quan tâm và tính cách của mình sẽ hình thành nên các ấn tượng của khách hàng về hình ảnh của nhà lãnh đạo.
Chia sẻ các ý tưởng và quan điểm của mình về các chủ đề liên quan đến ngành cũng là một cách giúp nhà lãnh đạo tăng cường uy tín của mình.
6. Chia sẻ các giá trị
Để tăng thêm sự nhận biết của công chúng về mình, nhà lãnh đạo cần phải đem đến cho công chúng, khách hàng những giá trị nhất định.
Goldman khuyên các nhà lãnh đạo nên sử dụng kiến thức chuyên môn để chia sẻ những vấn đề mà công chúng khó có thể tìm thấy ở bất kỳ một nguồn nào khác, từ đó tạo ra ưu thế “cạnh tranh” cho mình. Hãy suy nghĩ về cách giải quyết những vấn đề mà công chúng hay khách hàng của mình thường gặp.
Nếu xây dựng được niềm tin ở khách hàng về khả năng và sự tự tin của mình trong việc hiểu và giúp đỡ khách hàng, các nhà lãnh đạo sẽ được họ “follow” (đăng ký theo dõi các hoạt động) trên các mạng truyền thông xã hội, tương tác (chia sẻ, bình luận) trên các nội dung do nhà lãnh đạo cung cấp và mua những sản phẩm mà nhà lãnh đạo ủng hộ